Rước bệnh từ chăn “nhái”

Ham rẻ, nhiều người tiêu dùng tìm mua chăn giả, chăn nhái mà không biết những loại chăn này gây hại cho sức khỏe

Thật, giả lẫn lộn

Dạo một vòng qua các điểm bán chăn, ga trên phố Hàng Điếu, Cầu Giấy, Chùa Bộc, Tây Sơn (Hà Nội), điều dễ nhận thấy là sự có mặt của khá nhiều mặt hàng chăn, ga thủ công với mẫu mã đa dạng và giá cả thấp hơn rất nhiều so với các hãng có tên tuổi.

Đánh vào tâm lý của NTD muốn mua hàng chính hãng nhưng giá rẻ, nhiều đại lý chăn, ga đã trà trộn hàng nhái, hàng giả vào với hàng chính hãng. Loại hàng này còn được bày bán tràn lan, công khai tại các chợ ở Hà Nội.

Theo chị Minh Thúy, chủ một đại lý chăn ga Everon trên phố Đội Cấn: “Chăn nhái, chăn giả được làm rất tinh vi, rất giống về nhãn hiệu và vẻ bên ngoài của hàng chính hãng song thường mỏng hơn, dễ bị sùi, lớp bông dễ vón cục và thiếu độ đàn hồi. Giá của hàng nhái, hàng giả chỉ bằng 40% so với hàng thật”.

Chị Huyền Minh ở Đống Đa chia sẻ: “Tháng trước, tôi đến một cửa hàng trên phố Nguyễn Trãi mua chăn. Sau khi được chủ cửa hàng tư vấn, tôi đã đồng ý lấy chiếc chăn bông nhãn hiệu Everon với giá 850.000đ. Nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, chiếc chăn này đã bị xẹp, bông vón cục, đắp không ấm. Hỏi ra mới biết, tôi đã mua phải chăn bông giả, nhái nhãn hiệu. Khi giao hàng, người bán hàng đã cam kết đó là chăn thật, hàng chính hãng nhưng do đường may bị lỗi nên mới bán với giá rẻ. Cả tin, ham rẻ tôi đã mua chiếc chăn, không ngờ mua phải hàng rởm, vừa mất tiền, vừa chuốc bực vào người”.

Có nhiều cách để “trà trộn” thật giả. Mánh khóe người sản xuất thường dùng nhất là mua vỏ chăn của các hãng có thương hiệu, sau đó sản xuất ruột chăn bằng nguyên liệu rẻ tiền, nguyên liệu tái chế rồi tự lồng vào, đóng gói và tung ra bán. Ngoài ra, tại các cơ sở này thường mua một vài bộ “chuẩn” của các hãng lớn để trưng bày, nhưng khi có khách mua thì lấy từ kho ra những bộ chăn nhái.

Khó xử lý

Theo các bác sỹ da liễu, chăn, đệm được sản xuất thủ công, quy trình sản xuất không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe NTD, gây dị ứng với biểu hiện viêm tấy đỏ, mụn nước. Ngoài ra, nhiều loại chăn gối sản xuất thủ công được thu gom từ những chiếc chăn thải ra từ bệnh viện, bãi rác, vải vụn… là “thủ phạm” gây ra chứng bệnh nổi nấm, hen suyễn và bị ngứa, da đầu nổi mụn nước tái đi tái lại.

Hầu hết hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam được sản xuất tại các làng nghề truyền thống. Theo cơ quan quản lý, việc xử lý tình trạng làm hàng giả, hàng nhái tại làng nghề còn nhiều khó khăn. Vì mức phạt dành cho các hành vi làm hàng nhái còn nhẹ nên không đủ sức răn đe. Việc phát hiện và xử lý chăn bẩn hiện nay rất khó vì vẫn chưa có cơ quan nào thẩm định, kiểm nghiệm thành phần chăn trôi nổi trên thị trường./.

Báo TNVN

 

Trả lời

zalo messanger